Chia sẻ kiến thức

Hubcoach.vn

Cộng đồng tâm lý

16/02/2024

Bạo lực gia đình ảnh hưởng đến trẻ em như thế nào?

Bạo lực gia đình đối với trẻ em, dù là trực tiếp hay gián tiếp, cũng đều gây ra ảnh hưởng nhất định đến cả sức khoẻ thân thể và tinh thần. Những đứa trẻ là nạn nhân của bạo lực gia đình thường có xu hướng mắc phải rối loạn lo âu, trở nên lo lắng về mọi việc xảy ra xung quanh mình và lo sợ về những điều sắp xảy đến.

Cụm từ “bạo lực gia đình" được sử dụng để mô tả các hành vi đe dọa, bạo lực với những thành viên trong gia đình. Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng bạo lực gia đình chỉ bao gồm hành động gây tổn thương thể xác, bạo lực gia đình còn có thể thể hiện qua việc tác dụng bạo lực lên mặt tinh thần.  

Những đối tượng nào có thể gây ra bạo lực gia đình?

Mặc dù trong phần lớn những trường hợp bạo lực gia đình nặng nề được đăng tải trên báo chí và truyền thông thì thủ phạm là người nam giới trong gia đình, tuy nhiên nữ giới cũng hoàn toàn có thể là thủ phạm. Bạo lực gia đình xảy ra do mất cân bằng về tiếng nói và vị trí trong gia đình, và đối tượng gây ra việc này thường là người có tiếng nói cao hơn, bất kể giới tính và tuổi tác.

Trong đa phần các gia đình ở Việt Nam, trẻ em là đối tượng yếu thế và có ít tiếng nói hơn so với người lớn, vì vậy khi bạo lực gia đình xảy ra, trẻ em cũng là nhóm đối tượng chính bị nhắm tới. Trong trường hợp trẻ em không phải là nạn nhân trực tiếp, các em cũng thường bị ảnh hưởng gián tiếp do phải chứng kiến bạo lực ở độ tuổi còn nhỏ.

Trẻ em bị ảnh hưởng như thế nào bởi bạo lực gia đình?

Bạo lực gia đình đối với trẻ em, dù là trực tiếp hay gián tiếp, cũng đều gây ra ảnh hưởng nhất định đến cả sức khoẻ thân thể và tinh thần. Những đứa trẻ là nạn nhân của bạo lực gia đình thường có xu hướng mắc phải rối loạn lo âu, trở nên lo lắng về mọi việc xảy ra xung quanh mình và lo sợ về những điều sắp xảy đến.

Ở những đứa trẻ trong độ tuổi nhỏ như mẫu giáo hay đầu tiểu học, trẻ có thể bắt đầu có biểu hiện khác lạ về mặt thể chất như hay bị đau bụng, đau đầu, hay đi tiểu trong lúc ngủ, dù trước đây không hề có những biểu hiện đó. Những trẻ từng đi ngủ đúng giờ và ngủ sâu giấc cũng có thể đột nhiên khó vào giấc ngủ đúng giờ như trước, hoặc hay tỉnh dậy giữa đêm. Đồng thời, về mặt tinh thần, những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình sẽ bắt đầu hành xử theo thiên hướng bạo lực hơn: hay nói to, hay giận dữ, và có xu hướng tách biệt với một vài bạn bè.

Ở độ tuổi lớn hơn, ảnh hưởng của bạo lực gia đình cũng đa dạng hơn, và phụ thuộc nhiều hơn vào tính cách sẵn có của trẻ. Có hai trường hợp phổ biến nhất dưới đây.

  • Trẻ trở nên nổi loạn hơn và bắt đầu bắt chước những hành vi bạo lực đã quan sát được. Điều này có thể thấy rõ khi ta quan sát những kẻ bắt nạt trong trường học: rất nhiều học sinh đi bắt nạt bạn khác thực ra lại cũng đang hứng chịu bạo lực trong chính ngôi nhà của mình. Hay trốn học cũng là biểu hiện thường thấy ở nhóm trẻ nổi loạn này, và tệ hơn, nhiều trẻ bắt đầu sử dụng chất kích thích với mong muốn phần nào xoá bỏ những trải nghiệm và ký ức đau lòng.
  • Nhiều trẻ khác chọn cách giữ những nỗi đau ấy lại cho mình, rồi bắt đầu trở nên rụt rè với người khác do không muốn ai biết về tình cảnh của mình. Những trẻ có biểu hiện này thường lo sợ bị người khác đánh giá vì hoàn cảnh gia đình đặc biệt của mình. Sự cô đơn đến từ việc không nhận được tình yêu thương từ gia đình cộng với việc không có bạn bè hay người thân để chia sẻ cuối cùng sẽ dần dần đưa trẻ vào vũng lầy của căn bệnh trầm cảm. Việc này cũng dễ dàng dẫn tới các hậu quả xấu về mặt thể chất – nhóm trẻ này rất dễ mắc căn bệnh rối loạn ăn uống, cũng như có xu hướng tự làm tổn thương cơ thể. 

Đồng thời, dù ở bất cứ độ tuổi nào, trẻ em đối mặt với bạo lực gia đình cũng rất khó để tập trung hoàn toàn vào việc học và đạt được thành tích cao. Tâm lý sợ sệt mọi lúc mọi nơi cộng với tâm lý tự ti khiến mọi hoạt động ở trường, bao gồm học tập, trở nên khó khăn hơn với các em, và những hành vi bạo lực xảy ra liên tục tại nhà cũng khiến việc tập trung học tập tại nhà trở thành thử thách.

Ảnh hưởng dài hạn lên những đứa trẻ

Đáng chú ý hơn, những trẻ em sống trong môi trường gắn liền với bạo lực gia đình là những đối tượng vô cùng thiếu thốn tình yêu thương và sự bảo vệ, vì vậy cũng chính là những đối tượng dễ bị nhắm đến nhất bởi những kẻ lợi dụng trong tình yêu. Khi lâu ngày không nhận được tình yêu thương, việc có một người xuất hiện và bao bọc cũng giống như một chiếc phao cứu sinh cho những đứa trẻ này, khiến chúng nắm lấy mà không suy nghĩ thấu đáo. Vì quá tổn thương, các em vô tình tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng chính mình bằng cách tiếp cận qua tình yêu.

Với những đứa trẻ không trở thành nạn nhân trong lợi dụng tình yêu, chúng cũng có khả năng cao trở thành đối tượng gây ra bạo lực gia đình trong tương lai. Nhiều trẻ không nhận ra rằng những hành vi bạo lực đang dần trở thành một phần của con người mình, mặc dù bản thân chúng vô cùng ghét bỏ những hành vi ấy. Rồi khi lớn lên, những đứa trẻ ấy sẽ rất khó để loại bỏ những hành vi sai trái đã găm sâu vào tiềm thức khỏi con người mình.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tất cả nạn nhân nhỏ tuổi của bạo lực gia đình đều lớn lên trở thành người xấu. Nhiều người nhận ra được sự sai lầm trong những hành vi ấy và cố gắng hết sức để không mắc phải những sai lầm giống như cha mẹ. 

Những biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng của bạo lực gia đình lên trẻ em

Bản chất của những ảnh hưởng tiêu cực mà trẻ em gặp phải khi đối mặt với bạo lực gia đình, nhất là những ảnh hưởng lâu dài, thường đến từ mặt tâm lý. Vì vậy, sau khi đã cách ly trẻ em khỏi môi trường tiêu cực, những liệu pháp phục hồi sang chấn tâm lý do chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp đảm nhận là rất cần thiết. Trẻ cần được lắng nghe, thấu hiểu để giải toả những suy nghĩ tiêu cực đã hình thành trong khoảng thời gian chống chọi với bạo lực gia đình. Tại HubCoach.vn, đội ngũ chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản luôn sẵn sàng hết mình giúp đỡ các em nhỏ bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình, giúp các em quay về nhịp sống thường ngày và có được những mối quan hệ tốt.

 

Kiến thức liên quan